Liên kết tham gia chuỗi sản xuất phát triển ngành Cơ khí
27/04/2022Năm 2021, mặc dù đứng trước những áp lực của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước vẫn duy trì sản xuất, cung ứng sản phẩm đều đặn ra thị trường. Nhu cầu về gia công và chế tạo sản phẩm cơ khí khu vực ASEAN và thế giới hiện rất lớn. Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch sản xuất cơ khí – công nghiệp nặng từ các nước phát triển sang ASEAN và Việt Nam cũng tạo ra dư địa lớn cho các ngành này.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất sản phẩm ngành cơ khí năm 2021 chỉ tăng 0,4% so với năm 2020. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt sản lượng cao gồm có: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt… được sản xuất chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Hà Nội…
Trong đó, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ khí có sản lượng tăng so với năm 2020 là: Máy biến đổi điện quay tăng mạnh- 106,9%; máy biến thế điện sử dụng điện môi lỏng công suất sử dụng không quá 650 KVA tăng 13,06%; tổ máy phát điện khác tăng 12,06%. Ngược lại, một số sản phẩm có sản lượng giảm như: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều giảm 11,61%; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu giảm 11,52%; máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA nhưng ≤ 500 kVA giảm 10,97%; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W giảm nhẹ 0,97%.
Trong thông báo về việc đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2023 thuộc lĩnh vực cơ khí, Bộ Công Thương nhấn mạnh là cần tăng cường hợp tác với các hãng ô tô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Trong việc xuất khẩu sản phẩm cơ khí sang các thị trường lớn như hiện nay thì vai trò của các doanh nghiệp lớn nội địa có tiềm lực mạnh là rất quan trọng. Bởi lẽ, với những doanh nghiệp lớn như vậy mới có đủ nguồn tài chính để đầu tư công nghệ, chuẩn hóa sản phẩm từ nguyên liệu, sản xuất đến giá thành và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối. Đặc biệt là doanh nghiệp phải biết cách ứng dụng công nghệ 4.0 một cách phù hợp. Trong đó, việc tập trung sản xuất hàng loạt, tự động hoá nhưng theo yêu cầu riêng lẻ của khách hàng quốc tế là vô cùng cần thiết.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp nội địa lớn (điển hình như THACO), các doanh nghiệp khác đầu tư một nhà máy chế tạo cơ khí trong điều kiện hiện nay gặp nhiều khó khăn, bởi nếu đầu tư từ khâu đầu đến khâu cuối đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Đây chính là một trong các lý do dẫn đến tình trạng Việt Nam còn thiếu sản phẩm cơ khí có thương hiệu khi xuất khẩu. Theo giới chuyên gia, mặt hạn chế của các doanh nghiệp nội trong ngành cơ khí chế tạo là nguồn vốn hạn hẹp.
Để xuất khẩu sản phẩm cơ khí vào những thị trường lớn thì điều đầu tiên đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền thiết bị, phải sản xuất ra sản phẩm mẫu, sau đó đưa sản phẩm cho phía đối tác kiểm tra. Nếu đối tác thấy sản phẩm hợp lý, mới tiến đến sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, các doanh nghiệp cơ khí nôi địa lại không có điều kiện để sản xuất ra các sản phẩm cơ khí như vậy.
Ngoài ra, lãi suất ngân hàng cho lĩnh vực này so với các nước khác trong khu vực vẫn chưa như mong mỏi của các doanh nghiệp cơ khí. Như vậy, sẽ khó cho các doanh nghiệp có thể đầu tư dây chuyền thiết bị để sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ cho xuất khẩu ở thị trường lớn.
Trong bối cảnh phục hồi sản xuất thời điểm cuối năm 2021, tuy vốn vay ngân hàng được giảm lãi suất nhưng chỉ giảm bình quân 0,5%/năm nên không mang ý nghĩa nhiều đối với doanh nghiệp. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải tự thân vận động, phải tìm các giải pháp của riêng mình để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Dự báo nhu cầu gia công cơ khí trong nước và quốc tế hiện rất lớn, riêng gia công cơ khí năm 2021 đã tăng gấp đôi, nhất là xuất khẩu. Sang năm 2022, xuất khẩu về cơ khí có thể đạt 200 triệu USD. Đó là lý do THACO đầu tư phát triển mạnh hơn, ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 để phát triển tổ hợp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trở thành Trung tâm cơ khí đa dụng của miền Trung. Trên cơ sở đó, THACO đang thúc đẩy sự liên kết với đối tác, nhà sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí, điện, điện tử để hình thành hệ sinh thái ngành cơ khí, phát triển mạnh trong toàn quốc và vươn tầm quốc tế.
Với mong muốn trung tâm công nghiệp Chu Lai là một trong những trung tâm được khẳng định thương hiệu toàn cầu chứ không chỉ đơn giản là một khu liên hợp lắp ráp, sản xuất ô tô, cơ khí đa dụng như hiện nay, tỉnh Quảng Nam sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác bền vững giữa các doanh nghiệp vừa, nhỏ, sản xuất trong cụm ngành cơ khí, hỗ trợ, liên kết lại cùng tham gia vào chuỗi sản xuất này. Từ đó, thành lập nên một hệ sinh thái phát triển ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, trong đó, THACO được xác định là đầu tàu, các doanh nghiệp khác sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.
Đối với THACO, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng cơ khí chế tạo là định hướng chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác, qua đó, thực hiện chiến lược nội địa hóa, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau 16 năm đầu tư tại Chu Lai, THACO đã hình thành Tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng, đồng thời thực hiện gia công cho các khách hàng như Doosan Vina, General Electric (GE), Makitech (Nhật Bản), Agata, Three Stars và các doanh nghiệp đến đầu tư tại Chu Lai.
Để thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất cơ khí, bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu là Tổ hợp Cơ khí, thì liên doanh, liên kết là giải pháp chiến lược của THACO để mở rộng sang các lĩnh vực cơ khí mới, cụ thể là cơ khí nông – lâm nghiệp, cơ khí xây dựng, cơ khí công trình giao thông, cơ khí thiết bị công nghiệp… Muốn đạt được thành công như THACO, các doanh nghiệp trong ngành cần có nguồn vốn mạnh và chú trọng đầu tư vào công nghệ, cũng như phát triển đa dạng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế.
Nguồn: Bo Cong Thuong
Must Read
Đơn Vị Trưng Bày 2023
[Hội thảo] Đo lường trong công nghiệp
MTA Vietnam 2022 Webinar
ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam
MTA Vietnam 2021 x Bystronic Webinar
- #MTAVietnam /
- #MTAVietnam2022 /
- #MTV22 /