Thu Hút FDI Trong Lĩnh Vực Cơ Khí: (Kỳ 1) Kết Nối Doanh Nghiệp “Ngoại” Và “Nội”
14/12/2021Theo các chuyên gia, một trong những nguyên tắc cần đặt ra trong thu hút FDI là phải gắn kết được với khu vực tư nhân trong nước để đưa vào mạng lưới của họ.
Tuy nhiên, từ nghiên cứu của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho thấy, mối liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI và trong nước còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các công đoạn giản đơn như gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao, tỷ lệ nội địa hoá thấp (30-40%).
Mặt khác, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là tận dụng lợi thế về chính sách ưu đãi cũng như nhân công giá rẻ mà chưa chuyển giao công nghệ hay hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp trong nước.
Chuyển giao công nghệ rất “hiếm hoi”
Việt Nam đang thu hút khá nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhưng việc chuyển giao, thẩm thấu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế, do các doanh nghiệp trong nước chưa có sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới.
Hơn nữa, chính sách thu hút FDI của Việt Nam hiện vẫn theo xu hướng “trải thảm” mà chưa đưa ra các điều kiện ràng buộc doanh nghiệp FDI phải có trách nhiệm chuyển giao công nghệ hay hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp trong nước.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ở cấp quốc gia Việt Nam chưa có một quy hoạch hay chiến lược cụ thể nào để thúc đẩy sự tương tác, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Số dự án chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước hiện nay rất hiếm hoi và được thực hiện một cách cục bộ giữa các doanh nghiệp hoặc địa phương.
Theo ông Park Hongook, Tổng Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự liên kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp tư nhân chưa có nhiều cơ hội để khoa học công nghệ có thể lan tỏa, hỗ trợ nhau”, ông Park Hongook nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Điệp, đại diện Công ty CP công nghiệp KIMSEN đánh giá, khách hàng cần cụm linh kiện, giá thành cạnh tranh nhưng doanh nghiệp Việt lại chào mời từng loại linh kiện rời. Như vậy, chúng ta sẽ rất khó để thu hút họ hợp tác với mình.
Để tạo ra được sự cộng hưởng giữa FDI với doanh nghiệp bản địa, theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cần có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp FDI phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời thực hiện các chính sách trợ giúp doanh nghiệp bản địa nâng cao năng lực quản trị, mang tư duy toàn cầu về tiêu chuẩn, thị trường, công nghệ, nhân lực… khi đó mới có thể liên kết với FDI và gia nhập vào mạng lưới cung ứng toàn cầu.
Để doanh nghiệp tư nhân có thể trở thành đối tác của khối ngoại, Việt Nam cần phải tạo điều kiện, môi trường kinh doanh tốt nhất cho khu vực tư nhân trong nước phát triển.
“Khôn khéo” trong cấp phép
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp Hội Cơ khí Việt Nam bình luận, cơ khí Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng, tham gia chuỗi xuất khẩu cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, trình độ khoa học công nghệ để có thể chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài với chủng loại đa dạng.
“Nếu không có định hướng hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn, nhất là ngành cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác”,ông Long bày tỏ.
Riêng lĩnh vực nguyên vật liệu, thế giới đang tiến đến những vật liệu, linh kiện mới siêu nhỏ theo công nghệ Nano. Điều này có nghĩa, cơ khí thế giới đã nghiên cứu để tạo ra các vật liệu chế tạo chất lượng cao, vật liệu thông minh, có độ bền đáp ứng các quy trình chế tạo mới.
Từ nhu cầu đối với các vật liệu siêu nhỏ Nano, đòi hỏi ngành cơ khí phát triển các hệ thống chế tạo thông minh không giới hạn (Intelligent Manufacturing Systems – IMS). Như vậy, tin học hóa và trí tuệ hóa mọi khâu sản xuất và lưu thông, chưa kể sản phẩm cơ khí cũng phải tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.
Như vậy, theo ông Long, Việt Nam phải rất khôn khéo trong việc đàm phán khi cấp phép các dự án FDI trong thời gian tới. Hiện tiến trình phân công quốc tế và toàn cầu hóa kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cần nhận rõ các xu hướng trên, tích cực chủ động hợp tác, tạo nên những đột phá về khoa học công nghệ, phát triển năng lực cạnh tranh của riêng mình.
Theo Petrotimes